Top 15 Loại Bánh Tráng Việt Nam Món Ngon Quê Hương Chữ S

Bánh tráng của Việt Nam đa dạng và hấp dẫn như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để có thêm nhiều thông tin về chủ đề này nhé. Bánh tráng là một trong những món ăn vặt vô cùng quen thuộc, được bày bán ở khắp các đường phố Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn.

Với giá cả rất phải chăng cùng sự đa dạng, hấp dẫn về cách chế biến, bánh tráng Việt Nam không những là món ăn ưa chuộng của người Việt mà còn thu hút được cả những du khách từ nước khác.

Nhiều món bánh tráng còn được bạn bè quốc tế khen ngợi và nhắc đến trên các tờ báo về ẩm thực. Hãy cùng điểm qua top các loại bánh tráng ngon nhất của Việt Nam nhé.

Bánh tráng trộn đứng đầu

Trong vô vàn các món ăn vặt độc đáo ở Sài Gòn, bánh tráng trộn là một trong những món ăn rất phổ biến, với hương vị thơm ngon độc đáo, hấp dẫn nhiều  lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên.

Mặc dù bánh tráng được chế biến thành rất nhiều loại khác nhau, thế nhưng bánh tráng trộn Sài Gòn vẫn giữ một vị trí đặc biệt và thường xuyên được nhắc đến bởi các tín đồ ăn vặt.

Một phần bánh tráng trộn thường được làm từ bánh tráng phơi sương cắt thành nhiều sợi nhỏ đều nhau. Sau đó bánh tráng sẽ được trộn cùng với xoài xanh, rau răm cắt nhuyễn, cùng với các “topping” đặc sắc như: khô bò, trứng cút luộc, con ruốc, hành phi, đậu phộng… cùng với nước sốt sa tế, dầu mè, tạo nên một hương vị thơm ngon độc đáo khiến người ăn khó lòng dứt khỏi.

Quí lắm nha, nhiều lúc mưa rả rích của tối ở Sài Gòn chỉ mong 1 bịch bánh tráng trộn dùng cho qua bữa là đủ. Tất cả gia vị chua cay ngọt và mặn cứ hòa quyện với vị thơm rau răm và xoài. Nếu nói đây là đặc sản cũng không ngoa. Chính vì vậy mà ngay từ đầu danh sách bánh tráng Việt thì bánh tráng trộn đã được đưa lên đầu.

Bánh tráng cuốn bơ

Món này tuy chỉ mới nổi lên trong những năm gần đây, nhưng cũng rất nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các tín đồ ăn vặt. Loại bánh tráng cuốn phổ biến thường bao gồm chà bông, hành phi, trứng cút cuộn với rau răm, xoài xanh và cắt thành nhiều khoanh nhỏ.

Sau đó, sốt bơ và mỡ hành sẽ được xịt lên bề mặt bánh tráng. Hương vị thơm ngon béo ngậy của bơ và bánh tráng hòa cùng với vị chua chua của xoài xanh tạo nên một món ăn vặt ngon ngon, lạ miệng vô cùng.

Tất nhiên là món này hương bơ sẽ là chủ đạo lấn át nhưng cực ngon và rất là khó tả. Hy vọng 1 ngày không xa khách tây sẽ chạm và thích ngay món này ấy mà.

Bánh tráng nướng

Đây là món ăn được bạn bè quốc tế hay gọi là “Pizza Việt Nam”, thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo nước ngoài, đặc biệt là những tờ báo về ẩm thực đường phố.

Bánh tráng nướng xuất hiện phổ biến tại nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Nam và được xem là bắt nguồn từ thành phố Đà Lạt. Sau đó, món ăn này được lan rộng ra cả khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung với rất nhiều biến thể độc đáo, mới lạ.

Loại bánh tráng được chọn dùng để nướng thường là loại tương đối mỏng. Ban đầu, phần nhân bánh chỉ có mỡ hành. Tuy nhiên, sau khi được biến tấu, giờ đây món bánh tráng nướng đã trở nên đa sắc màu hơn với lượng topping phong phú như xúc xích, khô bò, khô gà, trứng, phô mai, hải sản, thịt băm…

Tùy vào sở thích mà mỗi người có thể tự do lựa chọn topping sao cho phù hợp với khẩu vị của mình.

Bánh tráng chiên

Một món ăn vặt vô cùng phổ biến Bánh tráng chiên cũng được xem và gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người, còn được gọi là “snack bánh tráng”. Với món ăn này, bánh tráng sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, sau đó chiên lên cùng với trứng và ăn cùng với muối tôm. Tuy cách chế biến đơn giản, nhưng món ăn này lại rất thơm ngon và dễ ăn.

Bánh tráng lụi

Bánh tráng lụi là một trong những món ăn vặt lạ miệng, độc đáo của miền núi Tây Nguyên và dần dà trở nên quen thuộc ở rất nhiều tỉnh thành. Bánh tráng lụi Tây Nguyên được làm nên từ lớp bánh tráng vừa dai vừa dẻo bọc ở bên ngoài. Đặc biệt nhất vẫn là phần nhân bên trong gồm có các loại nấm mèo, củ sắn, thịt băm.

Tất cả đều được cuộn lại một cách tỉ mỉ và cẩn thận trong lúc chế biến để đảm bảo hương vị thơm ngon, vị ăn vừa phải. Nước chấm chua cay cũng được xem là điểm nhấn để tạo nên hương vị độc đáo của món ăn này.

Chỉ cần dùng đũa gắp một miếng bánh, chấm cùng với nước chấm rồi cắn một miếng, chúng ta sẽ ngay lập tức cảm thấy được sự dai dẻo của bánh, với phần nhân thơm ngon hòa cùng với nước chấm sánh mịn.

Tất cả hòa quyện lại với nhau và cho ra đời một món bánh hấp dẫn, không chỉ là món ăn vặt mà còn xuất hiện trong những dịp đám tiệc của nhiều gia đình.

Bánh tráng me

Đặc sản Bánh tráng me được xem là xuất phát từ tỉnh Tây Ninh. Nhưng càng về sau, món ăn này càng xuất hiện nhiều hơn ở Sài Gòn cũng như rất nhiều tỉnh thành khác.

Một phần bánh tráng me thường bao gồm một xấp bánh loại bánh tráng bột gạo đã qua phơi sương và có độ dẻo vừa phải, sau đó mang đi cắt thành từng miếng chữ nhật rồi xếp lại làm bốn, một gói nước sốt me sền sệt chua chua mặn mặn, một gói đậu phộng rang nhuyễn, một gói sa tế ớt cay và một gói hành phi chiên giòn.

Nước sốt me là chính là bí quyết làm nên sự khác biệt. Nếu thực sự biết cách pha chế thì có thể làm ra được vị sốt me đậm đà, thơm ngon khó cưỡng.

Bánh tráng tắc

Bánh tráng tắc cũng là một loại món ăn dùng để ăn vặt của giới trẻ trong những buổi họp mặt với nhau. Với thành phần rất đơn giản như bánh tráng, muối tây ninh và một trái tắc, món này đặc biệt phù hợp với những ai yêu thích vị chua cay mặn tổng hợp với nhau. Đây thực sự là một món ăn đặc biệt rất kích thích vị giác.

Bánh tráng sa tế

Cũng như bánh tráng tắc, món ăn này được tạo nên từ loại bánh tráng có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh. Có thể thấy, rất nhiều món ăn làm từ bánh tráng đều sử dụng loại bánh đặc sản của Tây Ninh.

Món ăn đơn giản này cũng được xuất hiện ở rất nhiều nơi, thậm chí có nhiều người còn tự làm tại nhà vì cách chế biến vô cùng đơn giản với những nguyên liệu không khó để tìm được.

Bánh tráng sa tế là một món ăn vặt đường phố đã được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Ngoài màu sắc bắt mắt ra, món bánh này còn được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị sa tế. Đây sẽ là món tủ trong thực đơn ăn vặt của những tín đồ ăn cay.

Bánh tráng muối ớt

Đây cũng là một trong những món ăn vặt có nguyên liệu và cách làm vô cùng đơn giản nhưng vẫn thu hút rất nhiều bạn trẻ. Vẫn là loại bánh tráng có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh, loại này còn được kết hợp cùng với một loại đặc sản khác của tỉnh, chính là muối ớt.

Chắc hẳn ai ai cũng biết bánh tráng và muối ớt Tây Ninh đặc biệt như thế nào rồi nhỉ? Khi được kết hợp lại với nhau, chúng tạo nên một món ăn mới rất dễ ăn nhưng không hề ngán đâu nhé.

Bánh tráng chà bông

Đây có thể được xem là một trong những biến thể của món bánh tráng chiên. Ngoài ra, còn có thêm một nguyên liệu khác chính là chà bông. Bánh tráng thì được chiên lên giòn rụm, vừa béo vừa thơm, cộng với hương vị ngậy ngậy và vị mặn vừa phải của chà bông tạo thành một món ăn vặt rất dễ gây nghiện.

Bánh tráng lắc phô mai

Bánh tráng lắc phô mai tuy có thời điểm ra đời hơi muộn so với các loại bánh khác như bánh tráng trộn hay bánh tráng nướng. Thế nhưng, sự xuất hiện của nó cũng không ít lần gây nên những cơn sốt ăn vặt và ngày càng phổ biến trên khắp các quán ăn hay đường phố.

MuoiTayNinh không rõ sự xuất hiện khi nào chắc cũng cùng thời với xoài hay khoai tây lắc. Hương vị phô mai vốn đã rất đặc biệt bởi độ béo ngậy, nay còn được kết hợp một cách rất sáng tạo với bánh tráng.

loại này có thể nướng lên cho giòn hoặc là ăn ở dạng bánh trộn cùng với sốt đều ngon và có những hương vị rất riêng. Tùy vào sở thích mà mỗi người có thể chọn cho mình những cách chế biến khác nhau.

Bánh tráng tôm khô

Bánh tráng tôm khô vốn là một món ăn đường phố đã rất quen thuộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương sẽ có hương vị và đặc điểm riêng. Loại bánh này thường được nướng lên cùng với tôm khô hoặc có thể thêm một số gia vị khác như mỡ hành, hành phi,… để ăn kèm.

Bánh tráng kẹp

Bánh tráng kẹp là một loại đặc sản đến từ Đà Nẵng. Món nay được làm từ bánh tráng mềm. Với cách làm khá đơn giản, cụ thể người ta sẽ phết đều lớp nhân lên bánh, sau đó để nguyên hoặc gấp lại rồi nướng lên cho giòn.

Nhân bánh thông thường sẽ bao gồm pate gan tẩm gia vị, có thêm trứng cút và hành phi. Có người còn thêm thịt bò khô xé sợi, hay thậm chí là mực hoặc trứng gà.

Những phần “topping” này phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Điểm nhấn cho món bánh tráng kẹp chính là phần nước được làm từ bò khô, sa tế. Tuy nhiên, người ta còn có thêm những công thức khác với những gia vị bổ sung để làm nên  hương vị đậm đà, nước chấm sền sệt và cay nồng thơm ngon đến lạ.

Bánh tráng hấp

Bên cạnh những loại trên, món bánh tráng hấp được xem là một món ăn vặt khá lạ lẫm đối với nhiều người. Tuy nhiên nó cũng không kém phần hấp dẫn đâu nhé.

Với bánh tráng được hấp dẻo dai quyện cùng vị béo thơm của mỡ hành. Món này ăn ngon nhất khi nó vẫn còn nóng hổi. Khi ăn người ta thường dùng kèm với một ít nước mắm chua ngọt đậm đà cùng với rau sống.

Bánh tráng chấm

Đối những người thường xuyên vi vu ở khắp các con đường ăn vặt ở Sài Gòn, bánh tráng chấm là một món ăn đã quá quen thuộc và gần gũi. Bên cạnh đó, nó cũng không thiếu những nhiều biến thể khác nhau vô cùng khác lạ và độc đáo.

Cùng một nguyên liệu là bánh tráng, nhưng khi được ăn cùng với rất nhiều loại sốt chấm khác nhau thì đều cho ra những hương vị rất đặc biệt. Bởi vì nước sốt mới là điểm nhấn thực sự của món bánh này, cho nên mọi người có thể tha hồ, tùy ý sáng tạo theo sở thích của mình. Và cũng do đó mà món ăn này cũng không có một công thức cố định nào cả.

Kết luận

Từ những thông tin trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng các loại bánh tráng của Việt Nam là vô cùng đa dạng, phong phú với rất nhiều cách chế biến sáng tạo, độc đáo.

Các món bánh tráng Việt Nam không chỉ là món ăn đường phố, mà còn là món đặc sản của rất nhiều vùng miền từ Bắc vào Nam. Hy vọng bài viết này sẽ mang đến cho bạn nhiều gợi ý hơn trong việc lựa chọn những món bánh tráng đậm đà, hấp dẫn, thỏa mãn đam mê ăn vặt của mình.

Phân loại và sử dụng gia vị Việt Nam đúng cách
Close Giỏ hàng của tôi
Close Yêu thích
Đã xem gần đây Close
Close

Close
Navigation
Danh mục